Tại sao sự việc xảy đến cho chúng ta

Bài viết bắt đầu từ email của một đạo hữu, gởi báo tin cho biết Mẹ Tim bị tai nạn kèm với các video clips mới về Mẹ Tim trên youtube. Ngoài các links trong email anh còn đặt câu hỏi:

Tại sao một người giàu lòng từ thiện, làm việc nhân đức cứu giúp bao người tàn tật, nghèo khổ như Tim mà bị tai nạn thảm thương như vậy trong khi cái lũ tham nhũng, gian ác, cướp đất dân lành làm của riêng, còn bọn tỉ phú, ích kỷ vẫn sống trơ trơ. Xin các bạn cho ý kiến …

Nhớ lại, khi xảy ra trận sóng thần (tsunami) tại Thái Lan trên truyền hình Mỹ cũng đã có bao nhiêu cuộc trao đổi với các người đại diện tinh thần cho nhiều tôn giáo, giáo phái khác nhau để tìm câu trả lời “Tại sao?” và lại tái diễn với trận bão ở Miến Điện, động đất ở Trung Hoa… Vốn là một người tin theo những nguyên lý của đạo Phật, tôi mạo muội viết ra đây vài nhận định mà tôi tổng hợp được từ những bài giảng của các nhà nghiên cứu Phật học, hay các sư tôi thu thập được qua Internet và tự học của mình.


Phật pháp ứng dụng Tại sao sự việc xảy đến cho chúng ta

Đạo Phật đang ngày càng phát triển và thu hút nhiều sự nghiên cứu ở các trường đại học lớn, các trung tâm nghiên cứu tại Mỹ, và người Mỹ có lẽ rất thích tranh luận, nên tôi thường tìm thấy những bài giảng dựa vào những diễn biến hiện đang xảy ra (current events) về các đề tài có rất nhiều tranh cãi (controversial) như về chiến tranh, xã hội tiêu thụ, môi trường, sự phá thai, tội tử hình, đồng tính luyến ái hay sự kết thúc sớm cuộc đời của bệnh nhân (cut off life- support) từ quan điểm của Đạo Phật theo các nhà nghiên cứu Phật học, và những gì tôi viết dưới đây chỉ là một sự sao chép của một người đang tìm học để giúp đi tìm trả lời cho những câu hỏi tương tự như của đạo hữu đã đặt ra ở trên.

Một trong ba chân lý (Tam pháp ấn) trong đạo Phật, được gọi là Pháp ấn vì nó rất quan trọng, đó là “Chư hành vô thường” (sabbe sankhara anicca) . Hành là tất cả những gì do nhân duyên hợp thành, vì vô thường là bản chất của hành cho nên từ các quan hệ trong đời sống tinh thần (quan hệ vợ chồng, bạn bè, con cái) cho đến thế giới vật chất của vũ trụ, thiên hà, trái đất, sông núi đến các đồ dùng trong nhà như xe hơi, tủ lạnh, máy chụp hình, TV… đều luôn luôn thay đổi, biến chuyển, tàn tạ, hư hao rồi trở thành vô dụng, hay bị hủy diệt. 

Cái này sinh, cái kia sinh, cái này diệt cái kia diêt – Cái này làm tiền đề cho cái kia trong một sự liên kết, phụ thuộc vào nhau để tồn tại (inter-dependency, inter-connected) . Đó là một nguyên lý. Hệ quả rút ra là do sự vật là tổng hợp của “trùng trùng duyên khởi,” vô cùng tận của bao nhiêu yếu tố kết thành, cho nên cũng chẳng bao giờ có chỉ một hay vài nguyên nhân để giải thích được cho một sự việc, hay sự việc xảy luôn luôn là kết quả của rất nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân thấy được và những nguyên nhân chưa hay không thấy được. 

Chúng ta đã biết bao nhiêu lần lầm lẫn về nguyên nhân. Ngay những phát hiện trong nghiên cứu khoa học, đã có cái này lại phủ định cái kia, đúng hôm nay trở thành sai ngày mai, bởi vì nhận thức được thế giới vẫn còn là câu đố cho loài người, nên việc giải thích thế giới cũng là như vậy. Biết vậy, nhưng chúng ta không ngừng cố gắng để tìm lời giải đáp cho câu hỏi, nhất là khi có những biến cố bất hạnh xảy ra.

Do đó trở lại câu hỏi ban đầu, để tránh đưa ra một câu trả lời quá tổng quát tôi cố gắng để tổng kết những góp nhặt với hiểu biết hạn hẹp về các kinh điển, chủ yếu là của Nguyên Thuỷ, là những bộ kinh sớm nhất của đạo Phật, để giải thích những gì xảy đến cho một con người. Tôi không thể và không nhằm mục đích giải thích cho trường hợp của Mẹ Tim nhưng chỉ muốn cung cấp một vài điều tìm thấy trong kinh điển để mỗi người trong chúng ta tự tìm hiểu và suy nghĩ thêm.

Biết rằng sự việc xảy ra là do trùng trùng duyên khởi, theo lý vô thường mà nhân duyên là cốt lõi của sự việc đến, đi, thành, bại, hợp, tan,… nhưng đối với con người nhất là những bất hạnh trong đời, chúng ta có thể đưa ra các nguyên nhân chính để giải thích tại sao sự việc đã xảy ra. Theo đạo Phật, có năm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi một chúng ta.

Trước tiên, là do các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ. Đạo Phật không tin là Thượng Đế hay một đấng thần linh nào gây ra các thiên tai cho nên không nghĩ là các hiện tượng gây thiên tai là sự trừng phạt của Chúa hay do bất cứ một vị thần linh nào, và chắc chắn là không tin thiên tai là để trừng phạt con người vì tội ác của họ. 

Nguyên nhân thứ hai có thể là do các yếu tố sinh học mà chúng ta được cấu thành mỗi một chúng ta sinh ra có một thể lực hay là “tạng” khác nhau, có thể do từ di truyền của nòi giống, gia đình. Có người may mắn được “bẩm thọ,” nhưng cũng có khi chúng ta đã có sẵn các gen gây mầm bệnh trong người, ví dụ sinh ra với một gen ung thư trong người. 

Nguyên nhân thứ ba là nghiệp, chúng ta vẫn thường nghe mỗi khi có tai họa hay bất hạnh xảy ra, mọi người thường cho đó là do nghiệp. Nghiệp theo chữ Hán là những việc đã thành (như trong chữ sự nghiệp) - Những gì tốt đẹp hay bất hạnh chúng ta có hôm nay là một phần từ nghiệp do những gì chúng ta đã làm trong quá khứ, không ngẫu nhiên mà có, quá trình không phải chỉ trong đời này mà có thể từ bao nhiêu “vô lượng kiếp” chúng ta đã trải qua. Những “ân oán” trả vay đó là sự vận hành của nghiệp

Nguyên nhân thứ tư cho những gì xảy đến trong cuộc đời chúng ta là tôn giáo hay những gì thuộc về tín ngưỡng mà ta chọn làm nguyên lý sống của chúng ta. Chúng ta đã thấy có bao nhiêu người đã cho mình “tử vì đạo” trong khi những người khác thì xem đó là hành động điên rồ. Nhiều đau khổ tự gây ra do niềm tin mù quáng - Đạo Phật nói đến chánh kiến để làm kim chỉ nam cho những suy nghĩ và hành động của người tin theo Đạo Phật. Chánh kiến nghĩa là cái nhìn có được qua sự tu tập để hiểu và ngộ được bản chất vô thường, vô ngã và qui luật nhân quả trong mọi sự việc. Cuồng tín, và tự cho tôn giáo mình là “chính thống,” siêu việt hơn tất cả các giáo phái khác đó là phổ biến, cả trong đạo Phật cũng có người suy nghĩ như vậy, và rõ ràng người viết cũng đang thiên vị.

Nguyên nhân thứ năm để giải thích cho những bất hạnh xảy đến cho chúng ta chính là cái tâm của chúng ta. Hạnh phúc hay bất hạnh xét cho cùng là một trạng thái của Tâm. Tâm là nguồn gốc của mọi việc xảy đến cho chúng ta, như Lục Tổ Huệ Năng đã nói “Tâm tạo liên trì, tâm tạo địa ngục.” Nếu bình tâm suy nghĩ lại thì tự chúng ta cũng thấy được bao nhiêu đau khổ đã xảy đến cho chúng ta cũng từ cái tâm “động” của ta mà ra. 

Theo tôi hiểu, đạo Phật cho rằng con người sinh ra vốn đã sẵn đầy đủ tất cả những gì để được hạnh phúc (cho dù Khổ là điều không tránh được), cái đầy đủ vốn “bẩm sinh” trong cái Phật tánh (tâm Phật) như đã nói trong lời kinh “Hà kỳ Tự Tánh bổn tự cụ túc - Nào ngờ Tự tánh vốn tự đầy đủ - Huệ Năng) – Con người không sinh ra với tội lỗi ban đầu nhưng có lẽ sinh ra với vô minh ban đầu và càng ngày, sự vô minh càng dày đặt hơn bởi sự tham lam, sân hận và chôn lấp Phật tánh trong nhịp sống tranh đua, so bì và không bao giờ dừng lại để tìm lại “bản lai diện mục” của chính mình.

Con người vốn đã có đầy đủ tình yêu thương trong Tâm, chỉ cần quét đi lớp bụi sân hận che lấp, con người vốn đầy đủ sự vị tha, độ lượng, chỉ cần quét đi lớp bụi tham lam, con người vốn sẵn có đầy đủ trí huệ để thấy chân lý, chỉ cần gạt bỏ đi bức màn vô minh.

Xem thêm: